Hậu Covid-19, nguy cơ phá sản gia tăng
Trước đại dịch Covid-19 (năm 2020),Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) là một trong những doanh nghiệp có vốn Nhà nước thường xuyên rơi vào cảnh mất cân đối tài chính khi nợ ngắn hạn cao vượt trội so với nợ ngắn hạn. Sau Covid-19, kể từ năm 2020, tình trạng mất cân đối trở nên nặng nề hơn tới mức có nhiều thời điểm Vietnam Airlines đối diện với nguy cơ phá sản.
Cho đến nay, khi nhiều ngành nghề đã phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, Vietnam Airlines vẫn thua lỗ ngàn tỷ và nguy cơ phá sản chưa giảm nhiều.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2023, Vietnam Airlines ghi nhận tài sản ngắn hạn tăng nhẹ từ 12.330 tỷ đồng lên 14.812 tỷ đồng; Nợ ngắn hạn đạt 60.608 tỷ đồng, tăng 8.808 tỷ đồng, tương đương 17% so với cuối năm 2022.
Điều đó có nghĩa hệ số khả năng thanh toán hiện thời hồi cuối năm 2023 của Vietnam Airlines chỉ là 0,24, không cải thiện nhiều so với con số 0,23 tại ngày 31/12/2022.
Theo lý thuyết, hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng gần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.
Hệ số khả năng thanh toán hiện thời của Vietnam Airlines lùi sát về 0 kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Trong các 2021 và 2020, hệ số này là 0,27 và 0,25. Trước đó, khi chưa có Covid-19, tại ngày 31/12/2019, hệ số này cao hơn nhưng vẫn thấp hơn 1 và đạt 0,61.
Cuối năm 2021, đầu năm 2022, dư luận xôn xao trước thông tin Vietnam Airlines có nguy cơ phá sản và hủy niêm yết.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty diễn ra ngày 8/1/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái biểu dương việc Ủy ban đã triển khai thành công các kết luận của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ liên quan đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines, duy trì khả năng thanh toán và hoạt động liên tục, bước đầu vượt qua nguy cơ phá sản.
Tuy nhiên, như đã nêu trên, tại ngày 31/12/2023, hệ số khả năng thanh toán hiện thời của Vietnam Airlines đạt 0,24, thậm chí còn thấp hơn con số 0,27 hồi cuối năm 2021.
Biểu đồ: Quang Dân
Nợ phải trả cao hơn tổng tài sản gần 17.000 tỉ đồng
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản Vietnam Airlines đạt 57.616 tỷ đồng, giảm hơn 3.000 tỷ đồng sau 12 tháng. Nhìn vào cơ cấu tài sản ngắn hạn Vietnam Airlines cho thấy, tiền và tiền gửi công ty còn 3.475 tỷ đồng, tăng khoảng 80 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng từ 4.879 tỷ đồng lên 6.053 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hàng tồn kho công ty còn khoảng 3.428 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kì năm trước đó.
Phần lớn tài sản Vietnam Airlines nằm ở danh mục tài sản cố định với 34.348 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng đang dành hơn 1.692 tỷ đồng để đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết và đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, kết thúc năm 2023, nợ phải trả gần 74.562 tỷ đồng, tăng 2.870 tỷ đồng so với cùng kì năm ngoái. Trong đó, nợ ngắn hạn xấp xỉ 60.609 tỷ đồng, nợ dài hạn 13.953 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của Vietnam Airlines, kết thúc năm vừa qua, nợ vay công ty còn 27.368 tỷ đồng, giảm hơn 900 tỷ đồng so với cùng kì. Đáng nói, tuy nợ vay sụt giảm nhưng chi phí lãi vay Vietnam Airlines lại phình to. Theo đó, trong năm 2023, công ty đã phải chi hơn 1.555 tỷ đồng để trả chi phí lãi vay, trong khi năm 2022 số tiền doanh nghiệp bỏ ra là 1.165 tỷ đồng.
Ngoài ra, ngày 31/12/2023, Vietnam Airlines còn ghi nợ người lao động 1.217 tỷ đồng, tăng thêm 227 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Từ năm 2022, nợ phải trả Vietnam Airlines cao hơn tổng tài sản doanh nghiệp đang có. Biểu đồ: Quang Dân
Phát sinh nợ xấu tại ACV
Ở một diễn biến khác, vừa qua, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải nhằm thu hồi công nợ của các hãng hàng không trong nước đang vi phạm nghĩa vụ thanh toán với đơn vị.
Theo đó, ACV đang xây dựng 5 tiêu chí khởi kiện, dừng cung cấp dịch vụ đối với hãng bay vi phạm để xin ý kiến của các cơ quan quản lý có thẩm quyền về kế hoạch trả nợ cho ACV; không thực hiện đúng kế hoạch trả nợ đã cam kết; kết quả kinh doanh không bị lỗ nhưng không trả nợ; có phát sinh công nợ mới trong năm 2023; có số dư nợ lớn hơn các hãng hàng không khác.
Trong năm 2023, ACV cho biết phải trích lập dự phòng khoản thu ngắn hạn khó đòi gần 3.600 tỷ đồng từ các hãng hàng không trong nước, nhưng kế hoạch trả nợ của các hãng chưa đáp ứng được yêu cầu của ACV. Trong đó, có sự góp mặt của Vietnam Airlines.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của ACV, doanh nghiệp này ghi nhận khoản nợ xấu với số tiền gần 1.232 tỷ đồng, trong đó, đã trích lập dự phòng 142 tỷ đồng. Ngoài ra, trong danh sách nợ xấu của ACV còn có những doanh nghiệp hàng không khác như Vietjet với hơn 2.030 tỷ đồng; Bamboo Airways hơn 2.112 tỷ đồng; Pacific Airlines hơn 449 tỷ đồng.